8 Bước xây dựng kế hoạch SEO giúp tăng lượt truy cập cho website November 25, 2024November 26, 2024 “75% người dùng không bao giờ lướt qua trang có vị trí thứ 2 của kết quả tìm kiếm Google” – theo AIOSEO. Điều này có nghĩa là nếu website của bạn không xuất hiện trên trang đầu tiên, cơ hội tiếp cận khách hàng sẽ giảm đáng kể. Vậy làm thế nào để đưa website lên top đầu trong kết quả tìm kiếm? Hãy cùng khám phá 8 bước xây dựng kế hoạch SEO hiệu quả giúp tăng lượt truy cập và nâng cao thứ hạng của bạn trên Google. 1. Xác định mục tiêu của chiến lược SEO Chiến lược SEO là kế hoạch nhằm xây dựng, tối ưu hóa và quảng bá nội dung để tăng khả năng hiển thị của nội dung trên kết quả tìm kiếm, từ đó thu hút thêm lưu lượng truy cập tự nhiên vào website. Không chỉ giúp cải thiện thứ hạng, một chiến lược SEO hiệu quả còn giúp nâng cao tỷ lệ chuyển đổi khách hàng thành công và kết quả kinh doanh. Đầu tiên, doanh nghiệp cần thiết lập rõ ràng các mục tiêu và chỉ số hiệu suất chính (KPIs) trong chiến lược SEO. Đây là bước quan trọng giúp đánh giá hiệu quả và điều chỉnh khi cần thiết. Mục tiêu có thể là tăng doanh thu từ lưu lượng truy cập tự nhiên, trong khi KPIs là các giá trị đo lường như số lần hiển thị tự nhiên, lượt truy cập từ công cụ tìm kiếm, và thứ hạng từ khóa. Một số KPIs cần chú ý bao gồm: Lưu lượng truy cập tự nhiên – Organic traffic Thứ hạng từ khóa – Keyword rankings Số lượng backlink – Backlinks Tỷ lệ nhấp chuột (CTR) – Average click-through rate Các vấn đề về chỉ mục – Indexing issues Để thiết lập mục tiêu hiệu quả, bạn có thể áp dụng phương pháp SMART, đảm bảo các mục tiêu là S – Specific (cụ thể), M – Measurable (có thể đo lường), A – Achievable (khả thi), R – Relevant (liên quan) đến doanh nghiệp và T – Time-bound (có thời hạn). Điều này sẽ giúp doanh nghiệp theo dõi tiến trình một cách rõ ràng, đồng thời tạo ra kết quả SEO bền vững. Ví dụ, doanh nghiệp có thể đặt mục tiêu tăng 30% lưu lượng truy cập tự nhiên từ Google cho trang blog, đạt 5.000 lượt truy cập mỗi tháng trong vòng 6 tháng tới. KPI cụ thể bao gồm theo dõi lượng truy cập tự nhiên (từ 3.500 lên 5.000 lượt mỗi tháng), tỷ lệ nhấp chuột (CTR) tăng từ 2% lên 5%, và số lượng từ khóa xếp hạng cao (Top 10) từ 50 lên 75 từ khóa, nhằm hỗ trợ chiến lược nội dung và gia tăng chuyển đổi. 2. Nghiên cứu bộ từ khoá Để xây dựng một bộ từ khóa cho chiến lược SEO, việc nghiên cứu từ khóa là một bước quan trọng và cần được thực hiện một cách tỉ mỉ. Có hai phương pháp chính trong nghiên cứu từ khóa: 2.1 Nghiên cứu từ khóa dựa trên chủ đề Bạn bắt đầu với một từ khóa gốc (seed keyword), ví dụ như “phần mềm ERP” cho một trang web bán phần mềm ERP. Sau khi nhập từ khóa vào công cụ nghiên cứu từ khóa, bạn sẽ nhận được danh sách các từ khóa liên quan. Mỗi từ khóa trong danh sách có thể trở thành một từ khóa gốc mới để tiếp tục tìm kiếm những từ khóa liên quan khác, tạo ra vô số cơ hội để mở rộng bộ từ khóa. Để có nhiều ý tưởng cho từ khoá gốc, bạn có thể tận dụng các công cụ AI như Gemini hoặc ChatGPT, yêu cầu liệt kê những từ khoá được người dùng sử dụng nhiều khi tìm kiếm về chủ đề xác định. Sau khi có từ khoá, bạn kiểm tra lại trên các công cụ SEO để hiểu hơn về nhu cầu người dùng, mức độ liên quan và lưu lượng truy cập. Sau đó, bạn có thể yêu cầu AI gộp các từ khoá có sự liên quan lại với nhau. Bằng cách này, bạn có được một bức tranh tổng quan về nhu cầu tìm kiếm của người dùng và các từ khoá gắn với nhu cầu tìm kiếm đó. 2.2 Nghiên cứu từ khóa đối thủ Phương pháp này giúp bạn phân tích các từ khóa mà đối thủ cạnh tranh của bạn đã xếp hạng trên các công cụ tìm kiếm. Bạn có thể sử dụng các công cụ như Ahrefs hoặc SEMrush để xem từ khóa nào đang mang lại lưu lượng truy cập cho họ. Phương pháp này giúp bạn hiểu rõ hơn về mức độ cạnh tranh và chất lượng nội dung cần có để xếp hạng cho những từ khóa đó. Trong hình trên, mình đang sử dụng công cụ SEMrush để so sánh keyword gap giữa 2 đối thủ là Google Workspace và Notion. Khi nhìn vào bảng so sánh này, bạn có thể thấy Notion đang chiếm thế mạnh về các từ khoá như notion, mail, calendar,… còn Google Workspace đang có lợi thế về từ khoá google calendar, trello, slack, … Tuy nhiên, với góc nhìn tổng quan thì Google Workspace đang chiếm lợi thế khá lớn với 24K từ khoá, trong khi đó Notion đang xếp hạng từ khoá với số lượng là 7.7K (tham khảo hình bên dưới). 3. Xây dựng chủ đề các bài viết Để xây dựng nội dung hiệu quả dựa trên bộ từ khoá, việc áp dụng mô hình topic cluster là một chiến lược đáng cân nhắc. Đây là cách tổ chức nội dung xoay quanh một chủ đề chính (pillar) và các bài viết phụ (cluster) liên kết chặt chẽ với nhau. Chủ đề chính cần đủ rộng để tạo không gian phát triển nội dung đa dạng nhưng vẫn giữ được tính trọng tâm. Chẳng hạn, nếu chủ đề chính là “phần mềm quản lý công việc,” các bài viết phụ có thể xoay quanh “top các phần mềm quản lý công việc được ưa chuộng tại Việt Nam” hoặc “Các lưu ý khi chọn phần mềm quản lý công việc phù hợp với doanh nghiệp”. Việc xây dựng nội dung dựa trên topic cluster không chỉ giúp website của bạn trở nên chuyên sâu và có hệ thống mà còn giúp công cụ tìm kiếm dễ dàng nhận diện bạn là một chuyên gia trong lĩnh vực đó. 4. Tối ưu on-page SEO Tối ưu hóa on-page SEO là bước quan trọng để cải thiện thứ hạng của website trên công cụ tìm kiếm, đồng thời nâng cao trải nghiệm người dùng. Một số yếu tố cơ bản cần được chú trọng bao gồm: chỉnh sửa thẻ tiêu đề (title tag), mô tả meta (meta description), các tiêu đề chính (headings), liên kết nội bộ (internal links), và đường dẫn URL (URL slug). Những yếu tố này giúp công cụ tìm kiếm dễ dàng hiểu nội dung của bạn và xác định mức độ liên quan của trang với từ khóa mục tiêu. Để tối ưu on-page SEO hiệu quả, bạn cần tập trung kiểm tra các trang có tiềm năng tăng lưu lượng truy cập, cải thiện từ khóa mục tiêu và khắc phục vấn đề kỹ thuật. Đồng thời, phân tích nội dung đối thủ để nâng cấp bài viết, đảm bảo bài viết không chỉ chuẩn SEO mà còn mang lại giá trị thực sự cho người đọc. 5. Tối ưu technical SEO Technical SEO là quá trình tối ưu hóa trang web để giúp công cụ tìm kiếm dễ dàng tìm, thu thập dữ liệu, hiểu và lập chỉ mục nội dung của bạn. Điều này không chỉ cải thiện thứ hạng trên kết quả tìm kiếm mà còn nâng cao trải nghiệm người dùng, chẳng hạn như tăng tốc độ tải trang và tối ưu hóa giao diện trên thiết bị di động. Để tối ưu technical SEO, cần chú ý đến các yếu tố như cấu trúc URL, sơ đồ XML sitemap, dữ liệu có cấu trúc (schema markup), xử lý nội dung mỏng hoặc trùng lặp, thẻ hreflang, thẻ canonical, và các vấn đề về trang lỗi 404 hoặc chuyển hướng 301. Công cụ Google Search Console là trợ thủ đắc lực, cho phép bạn theo dõi và khắc phục các lỗi kỹ thuật thông qua báo cáo Core Web Vitals, giúp xác định các URL cần cải thiện trên cả máy tính và thiết bị di động. Một trang web được tối ưu kỹ thuật tốt không chỉ giúp công cụ tìm kiếm hiểu rõ hơn mà còn mang đến trải nghiệm mượt mà cho người dùng. 6. Tối ưu off-page SEO Để tối ưu hóa Off-Page SEO, bạn cần áp dụng những kỹ thuật hiệu quả nhằm tăng cường sự uy tín và lưu lượng truy cập tự nhiên từ công cụ tìm kiếm. Một trong những chiến lược quan trọng nhất là xây dựng liên kết (link building), trong đó, việc tạo các backlink từ các trang web uy tín sẽ giúp nâng cao độ tin cậy cho website của bạn. Các liên kết này càng đến từ các nguồn có thẩm quyền cao thì càng có giá trị trong việc cải thiện thứ hạng của bạn trên Google. Bên cạnh đó, tiếp thị nội dung (content marketing) đóng vai trò không thể thiếu, giúp bạn thu hút sự chú ý và tạo ra các liên kết tự nhiên. Việc xuất bản nội dung chất lượng không chỉ hỗ trợ trong việc xây dựng thương hiệu mà còn giúp bạn thu hút sự chú ý từ các phương tiện truyền thông và tăng cường tín hiệu E-E-A-T (Chuyên môn, Uy tín, và Tin cậy) cho website. Ngoài ra, tiếp cận các nền tảng xã hội cũng là một cách tuyệt vời để quảng bá nội dung và gia tăng tương tác. Mặc dù mạng xã hội không ảnh hưởng trực tiếp đến thứ hạng tìm kiếm trên Google, nhưng chúng giúp bạn thu hút sự chú ý và chia sẻ nội dung rộng rãi hơn, từ đó gián tiếp tác động tích cực đến SEO. Một kỹ thuật khác không thể bỏ qua là tiếp thị với người ảnh hưởng (influencer marketing). Việc hợp tác với các blogger hoặc người sáng tạo nội dung nổi tiếng sẽ giúp bạn tiếp cận với một lượng lớn khán giả mới, đồng thời gia tăng cơ hội xây dựng các liên kết chất lượng. Cuối cùng, đăng bài viết guest post là một phương pháp hiệu quả để xây dựng liên kết và mở rộng phạm vi tiếp cận. Khi viết bài cho các blog hoặc website có liên quan đến lĩnh vực của bạn, bạn không chỉ có thể tạo dựng uy tín mà còn thu hút lượng truy cập từ những nguồn mới. Tóm lại, các chiến lược Off-Page SEO như xây dựng liên kết, tiếp thị nội dung, tiếp cận mạng xã hội, tiếp thị với người ảnh hưởng và đăng bài viết khách sẽ giúp bạn cải thiện đáng kể sự hiện diện trực tuyến và tăng trưởng thứ hạng tìm kiếm của website. 7. Theo dõi hiệu suất các chỉ số liên quan đến SEO Để theo dõi các chỉ số liên quan đến SEO và đánh giá hiệu quả chiến lược của mình, việc sử dụng các công cụ phân tích là rất quan trọng. 02 công cụ cơ bản mà bạn nên bắt đầu sử dụng là Google Analytics và Google Search Console. Google Analytics là công cụ miễn phí của Google, cung cấp cái nhìn tổng quan về lưu lượng truy cập của website: bao gồm số lượng người truy cập, họ đến từ đâu, các trang họ tham quan, thời gian họ ở lại trên website và nhiều thông tin khác. Đây là công cụ rất hữu ích để hiểu rõ hơn về hành vi người dùng và những trang nào cần cải thiện. Google Search Console là một công cụ mạnh mẽ giúp theo dõi hiệu suất website trên Google. Nó cung cấp các báo cáo về hiệu suất tìm kiếm, tình trạng lập chỉ mục, bản đồ trang web và các cải tiến. Đặc biệt, công cụ này giúp bạn dễ dàng xem các từ khóa mà website của bạn đang xếp hạng, cũng như cung cấp báo cáo email hàng tháng về nội dung và từ khóa hiệu quả nhất. 8. Cập nhật và tái xuất bản nội dung Nội dung không nên dừng lại khi bạn nhấn nút xuất bản. Để duy trì hiệu quả lâu dài, bạn cần liên tục làm mới và cải tiến bài viết. Theo thời gian, ngay cả những bài viết tốt nhất cũng sẽ bị giảm hiệu quả, vì vậy hãy thường xuyên cập nhật thông tin, cải thiện hình ảnh và cấu trúc, hoặc kết hợp các bài viết nhỏ thành một nội dung lớn hơn và sâu sắc hơn. Việc này không chỉ giúp giữ nội dung tươi mới mà còn tăng cường khả năng xếp hạng SEO, giúp bài viết duy trì vị trí cao trên công cụ tìm kiếm. Chìa khóa thành công trong SEO: Nội dung chất lượng và cập nhật đều đặn Để xây dựng một chiến lược SEO hiệu quả, yếu tố quan trọng nhất chính là việc tạo ra nội dung chất lượng, hữu ích và phù hợp với nhu cầu của người đọc. Đồng thời, việc duy trì tần suất đăng tải đều đặn giúp giữ vững sự hiện diện của bạn trên các công cụ tìm kiếm. Đừng quên cập nhật nội dung và chiến lược của bạn theo sự thay đổi của thuật toán Google, vì điều này sẽ giúp bạn luôn giữ được vị trí cạnh tranh và cải thiện hiệu quả SEO lâu dài. Chìa khóa để thành công trong SEO là kiên trì và luôn cập nhật xu hướng mới. SEO Inbound Marketing
SEO Tháp SEO – La bàn cho chiến lược SEO thông minh August 7, 2024August 23, 2024 SEO là một vũ khí quan trọng của các chiến lược marketing thành công. Nắm vững kiến thức cơ bản của SEO qua mô hình tháp SEO để đạt hiệu quả tối ưu. Read More